Tình cảnh người Khmer Krom VN tỵ nạn ở Thái Lan
Nhã Trân, phóng viên RFA
2009-02-24
Từ cả chục năm nay những người từ Việt Nam chạy sang tỵ nạn tại Thái Lan ngoài người Việt còn có người Thượng và ngưòi Khmer Krom.
AFP PHOTO/Tang Chhin Sothy
Cảnh sát Campuchia được huy động tới trước Tòa đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh hôm 20-4-2007 để ngăn chận các cuộc biểu tình phản đối VN của người Khmer Krom.
Ngoài một số ít được Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR cấp quy chế tỵ nạn chính trị, vài trăm người khác hiện không dám về Việt Nam và phải ẩn náu ở Thái.
Đang côn tác tại Bangkok, Nhã Trân có dịp trao đổi với một số ngưòi Khmer Krom đang lánh nạn ở Thái để biết tình cảnh của họ hiện thời.
Người Khmer Krom
Số người Khmer Krom tỵ nạn còn kẹt lại ở Thái hiện giờ vẫn còn trên 160. Những người này xuất xứ từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, rời Việt Nam trong nhiều đợt kể từ năm 2000, đến Campuchia và chạy sang Thái.
Một trong số này tham gia hoạt động của nhóm Trà Đàm Dân Chủ. Một số khác theo Đảng “Cây Đèn Cầy” của Campuchia, thường được gọi là Đảng Som Răng Si, lấy theo tên của thủ lãnh đảng này.
Kể từ khi đến Thái tất cả những ngưòi Khmer này đã nộp đơn lên Cao Ủy Tị Nạn LHQ (UNHCR) để xin định cư tại một nước thứ ba. Tuy nhiên chỉ có 2 trong số hơn 160 đơn được chấp thuận.
Nhiều người đã rớt thanh lọc đến lần thứ hai. Lý do họ bị từ chối là vì theo thỏa thuận giữa Cao Ủy Tị Nạn LHQ và chính phủ Campuchia thì họ là công dân của Campuchia.
Một phụ nữ Khmer Krom dưới tên tạm là Thạch Hà kể lại hoàn cảnh của chị:
Chị Thạch Hà: Tôi từ Việt Nam chạy qua Campuchia năm 2008. Tôi đi từ tỉnh Đồng Tháp.
Bữa mà tôi từ Việt Nam lên Campuchia là ngày mà tôi đi biểu tình. Đi biểu tình bị người ta bắt, người ta hành hạ, ngưòi ta đánh đòn quá, chịu không nổi.
Chị Thạch Hà
Nhã Trân: Và nguyên do nào đã khiến chị quyết định rời khỏi Việt Nam?
Chị Thạch Hà: Dạ tại vì tôi theo Trà Đàm Dân Chủ. Bữa mà tôi từ Việt Nam lên Campuchia là ngày mà tôi đi biểu tình. Đi biểu tình bị người ta bắt, người ta hành hạ, ngưòi ta đánh đòn quá, chịu không nổi. Rồi người ta xét nhà, lục tài liệu.
Nhã Trân: Vâng rồi sau đó chị chạy từ Campuchia sang Thái Lan?
Chị Thạch Hà: Dạ, từ Campuchia chạy sang Thái Lan năm 2008.
Nhã Trân: Và kể từ khi sang Thái Lan đến bây giờ là khoảng một năm, trưòng hộp của chị vẫn chưa được cứu xét?
Chị Thạch Hà: Dạ.
Nhã Trân: Như vậy thời gian vừa qua chị sống ở Thái ra sao, sinh hoạt như thế nào, trong điều kiện nào?
Chị Thạch Hà: Dạ ở Thái Lan tôi không có làm gì được vì mình không có biết tiếng [Thái]. Mình sợ ngưòi ta. Tôi còn dư tiền chút đỉnh để mà ăn xài. Ăn không đủ. Có bữa no, có bữa thiếu.
Nhã Trân: Sống ở Thái Lan trong hoàn cảnh khó khăn, đói kém như vậy thì chị có được một tổ chức nào của Thái Lan, hoặc một tổ chức nào khác giúp đỡ hay không?
Chị Thạch Hà: Dạ được chùa người ta cũng giúp đỡ. Mình khổ được ngưòi ta giúp. Cơm cũng nhằm bữa. Có nhiều thì [ngừơi ta] đưa. Có ít thì của mình [tự] lo ăn, uống. Nhằm bữa thì no đủ, nhằm bữa thì thiếu hụt.
Nhã Trân: Nguyện vọng của chị bây giờ là không bị trả về Việt Nam, mà là được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ nhận cho đi định cư tại một nước thứ ba?
Chị Thạch Hà: Dạ tôi chạy qua Thái Lan là muốn được nước ngoài giúp đỡ, để mà tỵ nạn, để ngày sau đừng [bị] khó khăn.
Khmer Krom muốn đòi hỏi cái nhân quyền. Khmer Krom xin nhà nưóc, yêu cầu nhà nước giải quyết cho cái nhân quyền.
Anh Thạch Văn
Tranh đấu cho nhân quyền
Một người Khmer Krom khác, dưới tên tạm là Thạch Văn, cũng đã bị bác đơn xin tỵ nạn:
Anh Thạch Văn: Tôi người Khmer Campuchia Krom, nguồn gốc thì ở Việt Nam, rồi bị Việt Nam đè ép nhân quyền.
Nhã Trân: Anh có thể nói rõ anh đã bị đàn áp như thế nào?
Anh Thạch Văn: Đè ép coi như là không cho mình cái quyền [về] đất đai của mình. Mình có bằng khoán nhưng mà cái nhà nước thì họ đàn áp. Cho nên Khmer Krom muốn đòi hỏi cái nhân quyền. Biểu tình đây không phải là biểu tình cho rối loạn trật tự an ninh xã hội. Khmer Krom xin nhà nưóc, yêu cầu nhà nước giải quyết cho cái nhân quyền.
Nhã Trân: Xin anh cho biết ở Việt Nam anh ở vùng nào?
Anh Thạch Văn: Từ vùng Bạc Liêu lại ạ, [rồi] qua Campuchia.
Nhã Trân: Và sau đó thì anh chạy từ bên Campuchia sang bên Thái Lan?
Anh Thạch Văn: Ở Campuchia nhà nước, chánh phủ Campuchia cũng không thừa nhận cho ngừơi Khmer Krom ở. Họ thừa nhận bằng miệng thôi, chỉ thừa nhận bằng cái miệng nhưng mà giấy tờ họ không có giao cho. Họ đàn áp người Khmer Krom, bắt Khmer Krom đưa cho Việt Nam để hành hạ, để bỏ tù.
Nhã Trân: Thưa anh là hiện nay đã có những ngưòi Khmer Krom được thả, không còn bị giam nữa phải không?
Anh Thạch Văn: [Họ] đưa ra khỏi tù nhưng mà còn… nhưng mà không có biết gì hết trơn.
Nhã Trân: Ý anh nói là không biết sẽ được đi tỵ nạn?
Anh Thạch Văn: Coi như là [họ] không có giải quyết cho mình đi qua nước thứ ba. Cao Ủy Tỵ Nạn từ chối từ năm 2005 tới bây giờ. UNHCR này nè, Cao Uỷ nè, từ chối, chưa có giấy tờ gì, không có giao cho giấy tờ gì hết trơn.
---------------------------------
Hơn 160 người Khmer Krom đang ẩn náu rải rác ở Thái Lan hiện vẫn sống trong tình trạng lẩn trốn và đối diện với âu lo từng ngày, không biết sẽ bị chính quyền Thái bắt và giải giao qua biên giới Campuchia cho chính quyền xứ này ngày nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét