12 thành viên phong trào Trà Đàm sang tị nạn tại Campuchia.
Nguyễn Bình, thông tín viên RFA, Campuchia
2008-10-28
12 người Khmer Nam bộ, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em là thành viên của phong trào Trà Đàm Dân Chủ tại Việt Nam vừa vượt biên sang Campuchia lánh nạn.
Photo: RFA
Những người Việt gốc Miên tỵ nạn tại Campuchia
Không được công nhận là người tỵ nạn
Nguồn tin từ phòng trào Trà Đàm Dân Chủ tại Campuchia cho biết hiện có 12 thành viên của phong trào này là người gốc Khmer Nam bộ ở một số tỉnh miền Tây sang tị nạn tại Campuchia do chính quyền địa phương của Việt Nam dọa bắt bỏ tù.
Theo ông Đỗ Hữu Nam, lãnh đạo phong trào Tra Đàm tại Campuchia cho biết có 3 thành viên trong nhóm này bị chính quyền khám nhà tìm tài liệu, nên sợ và trốn sang Campuchia.
Cũng theo ông Nam, 12 người Khmer Nam bộ này có đến văn phòng Cao ủy tị nạn Liên hiệp Quốc (UNHCR) tại Phnom Penh nhưng không được tiếp nhận. Hiện nhóm người này đang được một số dân nghèo Campuchia ở ngoại ô Phnom Penh giúp đỡ lương thực và chỗ tá túc.
Ông Om Samath, lãnh đạo tổ chức nhân quyền Licado nói rằng Bộ Nội vụ Campuchia từng can thiệp không cho UNHCR cấp qui chế tị nạn cho người Khmer Krom, hay người Khmer gốc Nam bộ, với lý do cho rằng Hiếp pháp Campuchia đã thừa nhận những người này là công dân của Campuchia. Nhưng thực tế chưa có người Khmer Krom tị nạn chính trị nào được cấp giấy tờ tùy thân như là một công dân. Do đó, tổ chức ông sẽ tìm hiểu về những người tị nạn này và sẽ phản ánh với chính quyền Phnom Penh cũng như các nước tài trợ cho Việt Nam và Campuchia.
Cựu binh sĩ QLVNCH ?
Ông Thạch Chhuon Yat, cán bộ xác minh của tổ chức nhân quyền Khmer Kampuchea Krom nói rằng ông đã tiếp xúc với một số người trong nhóm nói trên và được biết phần lớn là cựu binh sĩ chế độ Sài Gòn củ. Và một số người chưa qua cải tạo sau năm 1975 do đó sẽ gặp khó khăn nếu bị buộc hồi hương về Việt Nam. Còn ở Campuchia thì có tâm lý lo sợ bị công an mật theo dõi và sợ bị trục xuất về Việt Nam nên không dám ra ngoài tìm việc làm.
Tổ chức ông sẽ vận động những người Khmer Krom này từng bước hòa nhập cuộc sống tại Campuchia như tìm chuyên gia pháp lý giúp làm giấy tờ tùy thân để trở thành công dân Campuchia chính thức, sau đó tìm công ăn việc làm tại đây.
Theo ông Thạch Chhuon Yat, nhưng gì mà phong trào Trà Đàm làm hiện nay không vi phạm pháp luật của Campuchia, nhưng cả chính quyền Phnom Penh và Hà Nội đều không thích. Do đó, để phòng ngừa như trường hợp nhà sư Tim Sakhorn, tổ chức ông sẽ viết báo cáo cho các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước biết, đồng thời cũng báo cáo cho nghị viện Châu Âu. Nếu như những người Khmer Krom này bị trục xuất về Việt Nam thì xem như đây là vụ vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.
Được biết, nhà sư gốc Khmer Nam bộ tên là Tim Sakhorn, từng làm trụ trì trong một ngôi chùa thuộc tỉnh Takeo của Campuchia bị lãnh đạo Phật giáo Campuchia buộc hoàn tục vào cuối tháng 6 năm 2007 với lý do cho rằng phá hoại ban giao giữa 2 nước Campuchia và Việt Nam. Còn thủ tướng Hun Sen của Campuchia cáo buộc thêm rằng nhà sư này có quan hệ bất chính với phụ nữ.
Sau khi hoàn tục, nhà sư Tim Sakhorn bị đưa đi mất tích. Sau đó truyền thông Việt Nam có lúc loan tin rằng vị sư này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nên bị bắt, có lúc cho rằng bị chính quyền Phnom Penh trục xuất. Hiện nhà sư Tim Sakhorn đã ra khỏi trại giam tại An Giang, nhưng vẫn chưa được về đoàn tụ gia đình tại Campuchia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét